Trí tuệ nhân tạo trong báo chí

Trong chuyên mục sưu tầm lần này, xin giới thiệu các bạn bài viết Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển và đang được sử dụng để thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực. Vậy trong lĩnh vực báo chí, một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, thì trí tuệ nhân tạo liệu đã có thể thay thế được các nhà báo?

Liệu trí tuệ nhân tạo có thay thế được công việc viết lách của con người?

Dưới đây là những cách thức mà trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng trong lĩnh vực báo chí. Không hoàn toàn thay thế con người trong việc tạo ra các bài viết, nhưng trí tuệ nhân tạo cũng đã giúp ích rất nhiều cho các nhà báo và mang lại cho các độc giả những trải nghiệm mới mẻ hơn.

Tờ báo The New York Times sử dụng trí tuệ nhân tạo để khám phá nội dung, quản lý bình luận của độc giả

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 2

Năm 2015, tờ The New York Times đã thử nghiệm một dự án trí tuệ nhân tạo với tên gọi Editor. Mục đích của dự án này là đơn giản hóa quy trình báo chí.

Khi viết một bài báo, các nhà báo có thể sử dụng các thẻ (tag) để làm nổi bật các cụm từ, tiêu đề hoặc các điểm chính trong bài báo. Theo thời gian, hệ thống trí tuệ nhân tạo của The New York Times sẽ tự học cách nhận ra các phần nổi bật nhất trong một bài báo để lọc ra các tag có liên quan. Bằng cách tìm kiếm dữ liệu theo thời gian thực và trích xuất thông tin dựa trên các danh mục được yêu cầu như sự kiện, con người, địa điểm, thời gian… hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp cho người đọc tiếp cận các thông tin được dễ dàng hơn, kiểm tra các thông tin có liên quan trên bài báo được nhanh chóng hơn…

Tờ báo The New York Times còn sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt các bình luận của độc giả, lọc ra những bình luận mang tính quấy rối và lạm dụng.

BBC – Sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp tin tức

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 3

Từ năm 2012, hãng thông tấn của Anh BBC đã sử dụng một công cụ trí tuệ nhân tạo với tên gọi Juicer để tổng hợp và trích xuất thông tin từ các nguồn tin tức trên Internet.

Hệ thống Juicer sẽ khai thác thông tin từ hơn 850 nguồn tin tức trên toàn cầu, sau đó tổng hợp và gán các thẻ tag cho những bài viết rồi sắp xếp chúng theo 4 chuyên mục: tổ chức, địa điểm, con người và đồ đạc. Do vậy khi các phóng viên của BBC muốn tìm kiếm thông tin liên quan đến một vấn đề hoặc sự kiện nào đó, Juicer sẽ nhanh chóng tìm kiếm từ các nguồn tin và cung cấp danh sách những bài báo có nội dung liên quan.

Trong tương lai không xa, Juicer còn có thể được sử dụng để cải thiện trải nghiệm của độc giả bằng cách hiểu thị các hộp nội dung về tin tức liên quan khi người dùng nhấn chọn vào các từ có trong bài báo.

The Washington Post – Sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết báo và lọc bình luận

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 4

Tờ The Washington Post đã sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo với tên gọi Heliograf để tạo ra các tin tức tự động. Bài viết đầu tiên được Heliograf tạo ra cho tờ báo này là vào mùa hè năm 2016, về sự kiện Olympic đang diễn ra vào thời điểm này.

Heliograf tổng hợp các tin tức bằng cách phân tích dữ liệu được nhập vào, sau đó sẽ bổ sung thêm các thông tin để tạo ra một bài báo hoàn chỉnh. Phần mềm cũng sẽ cảnh báo các nhà báo về những bất thường được tìm thấy trong dữ liệu được nhập vào.

Tính đến nay, Heliograf đã tạo ra và xuất bản hàng ngàn bài báo cho tờ The Washington Post.

Ngoài ra The Washington Post còn phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo khác với tên gọi ModBot. Hệ thống này sử dụng tính năng máy học để xác định xem những bình luận nào của độc giả có chứa nội dung không phù hợp để xóa chúng đi mà không cần sự can thiệp của con người.

Associated Press – Sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích nội dung và viết báo

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 5

Associated Press (AP) sử dụng trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên từ năm 2013 để tạo nội dung tin tức, chủ yếu là các tin về thể thao và báo cáo tài chính.

Ngày nay, AP hợp tác với hãng công nghệ NewsWhip để xây dựng công cụ trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích các tin tức đang là xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Pinterest… để cung cấp cho phóng viên của AP những chủ đề nào mà người dùng đang quan tâm.

AP cũng đã hợp tác với Automated Insights, một hãng công nghệ có trụ sở tại Mỹ, chuyên về phần mềm tạo ngôn ngữ tự nhiên, biến dữ liệu lớn thành các bài viết dễ đọc. AP đã sử dụng công cụ với tên gọi “Wordsmith” do Automated Insights phát triển để tự động tạo ra các bài viết từ những dữ liệu nguyên bản được nhập vào.

Tân Hoa Xã sử dụng MC trí tuệ nhân tạo để dẫn chương trình

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 6

Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã xây dưng người dẫn chương trình bằng trí tuệ nhân tạo, có thể nói, di chuyển và hành động như một người dẫn bản tin thực sự.

Tân Hoa Xã đã hợp tác với công ty công cụ tìm kiếm Sogou.com để phát triển MC trí tuệ nhân tạo này. Người dẫn với trí tuệ nhân tạo được tạo dựng thành mô hình kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của một phát thanh viên thật, rồi sử dụng kĩ xảo máy tính để hoạt họa khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt như người thật. Tân Hoa Xã sử dụng các video phát thanh truyền hình trực tiếp vào một thuật toán để dạy cho AI nói theo. Chuyển động của “người” dẫn bản tin này dường như rất linh hoạt, sống động, và trực quan.

Tân Hoa Xã cho biết MC trí tuệ nhân tạo này có thể làm việc 24 giờ một ngày, giúp giảm chi phí sản xuất tin tức và nâng cao hiệu quả.

Báo điện tử Dân trí – Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển báo nói

Trí tuệ nhân tạo đang được áp dụng vào báo chí như thế nào? - 7

Báo điện tử Dân trí là một trong những tờ báo đầu tiên tại Việt Nam triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển nội dung.

Báo điện tử Dân trí vừa tiên phong tích hợp thêm phiên bản báo nói, cho phép các độc giả có thể nghe nội dung của các bài viết thay vì phải đọc chữ như trước đây. Để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc, giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo.

Phiên bản báo nói của Dân trí ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại do Trung tâm Không gian Mạng Viettel (VTCC) xây dựng và phát triển. Các kỹ sư nhóm xử lý tiếng nói của VTCC đã sử dụng công nghệ học sâu (deep learning) tiên tiến thay vì áp dụng các kỹ thuật truyền thống như HMM (Hidden Markov Model) hay ghép nối các từ… giúp cho giọng đọc tự nhiên, liền mạch, ngắt nghỉ, kết hợp với biểu cảm chính xác.

Việc phát triển công cụ báo nói giúp tăng trải nghiệm cho độc giả, để có thể vừa thư giãn vừa nghe nội dung của bài báo, thay vì phải tập trung vào màn hình như trước đây.

T.Thủy

Bạn muốn trích dẫn bài này:
-----
"Trí tuệ nhân tạo trong báo chí," Trí tuệ nhân tạo, Ngày xuất bản: 21/01/2020, URL: https://trituenhantao.io/suu-tam/suu-tam-tri-tue-nhan-tao-dang-duoc-ap-dung-vao-bao-chi-nhu-the-nao/, Ngày truy cập: 27/03/2024.