Tại hội thảo quốc tế ‘Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng AI – khuyến cáo cho TP.HCM’, các chuyên gia đề xuất sử dụng AI để giải quyết ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước. Hội thảo do UBND TP.HCM cùng Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức ngày 25-9 ở TP.HCM. Trong chuyên mục sưu tầm lần này, hãy cùng đọc và suy nghĩ về quan điểm này các bạn nhé!
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết những kết quả của hội thảo là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm ứng dụng AI trong thời gian tới.
Dữ liệu – nguồn tài nguyên hàng đầu
Phát biểu tại hội thảo, ông Ousmane Dione – giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN – cho biết trong quá trình phát triển không ngừng của TP, người dân ngày càng cảm nhận rõ những dấu ấn đô thị thông minh trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông…
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng khiến TP.HCM đang gặp nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, đòi hỏi giải pháp thông minh – trong đó có AI – để giải quyết những vấn đề này.
Theo ông Ousmane Dione, dữ liệu số ngày nay đã vượt qua dầu mỏ để trở thành nguồn tài nguyên quý giá hàng đầu, vừa là cơ hội cho TP.HCM tận dụng nhưng cũng mang đến những thách thức.
Bởi vì nguồn dữ liệu khi muốn hữu dụng trong AI phải được tập hợp, tinh lọc và xử lý từ các thông tin thu nhận trong hoạt động hằng ngày.
Dữ liệu dùng chung đủ nhiều, đủ mạnh, chặt chẽ mới là nền tảng cho mọi hoạt động phát triển công nghệ thông tin và AI.
Tương tự, TS Alvina Goh – phó giám đốc bộ phận khoa học dữ liệu và AI (Govtech Singapore) – chia sẻ từ những năm 1990, các cơ quan công quyền Singapore đã bắt đầu ý thức tích lũy và xây dựng một kho dữ liệu cho từng đơn vị nhờ vào hệ thống máy tính.
Dữ liệu sau đó lần lượt được mã hóa và được chia sẻ giữa các phòng ban, cơ quan, dần hình thành các kho dữ liệu mở cho quốc gia.
Sự dồi dào dữ liệu có sẵn giúp bùng nổ các giải pháp thông minh, không chỉ xuất phát từ cơ quan nhà nước Singapore mà còn trong cả doanh nghiệp và người dân.
Khi đã có những chương trình dồi dào, Chính phủ Singapore bắt đầu lên chiến lược để định hướng và phát triển thêm về AI.
Sớm hình thành trung tâm nghiên cứu AI
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết hội thảo này khá chuyên sâu, có bí thư thành ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM dự là để học các doanh nghiệp, cùng các nhà khoa học làm chính sách.
Cũng theo ông Nhân, hôm nay 26-9, TP.HCM sẽ có chương trình tập huấn cho toàn bộ cán bộ chủ chốt các sở ban ngành, quận huyện về AI để có sự chia sẻ, đồng thuận trong toàn TP.
VN đi chậm hơn các nước trong lĩnh vực AI nhưng không phải quá chậm, nên hoàn toàn có thể tham gia cùng đoàn tàu thế giới về AI.
TP.HCM với nguồn lực 300.000 doanh nghiệp, 10 triệu dân, 60 trường ĐH – CĐ với 600.000 sinh viên, kết nối với hàng triệu kiều bào vẫn có lộ trình làm được.
Sau hội thảo này, có thể ban chỉ đạo của TP về đô thị thông minh làm luôn chức năng ban chỉ đạo AI, nhưng phải có hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia trong và ngoài nước.
Từ nay đến cuối năm phải xây dựng được chương trình ứng dụng, nghiên cứu và phát triển AI TP.HCM 2020-2030.
Trước khi trình lãnh đạo lần cuối phải có chương trình làm việc với các nhóm chuyên gia, xin ý kiến các bộ ngành trung ương, cần tận dụng nguồn lực chỉ đạo của trung ương. “Tôi đề nghị sớm hình thành trung tâm nghiên cứu AI của TP.HCM.
Giai đoạn đầu, trung tâm này có thể đặt tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Mặt khác cũng phải đặt hàng, lựa chọn các doanh nghiệp lớn để kiến nghị họ cùng làm” – ông Nhân nói.
Hiến kế cho chiến lược phát triển AI của TP.HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đề xuất nên phân thời gian 10 năm tới ra thành 3 giai đoạn phát triển cụ thể: từ năm 2020-2025, TP làm chủ công nghệ, trong đó tập trung vào big data (dữ liệu lớn), các hệ thống thông minh, lý thuyết máy học nền tảng; từ năm 2025-2030, TP phát triển AI theo hướng ứng dụng, áp dụng cho các lĩnh vực cụ thể như y tế, giao thông, an ninh; sau cùng, từ năm 2030 trở đi, TP sẽ có đầy đủ nhân lực, công nghệ, nền tảng AI để tự do sáng tạo theo hướng phát triển của đất nước.
Ông Dương Anh Đức (giám đốc Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM):
Không có dữ liệu chẳng làm được gì
Điều cần nhất để hiện thực hóa cơ hội này là cơ chế (như tài chính, sử dụng con người, triển khai dự án…), nhưng đó cũng có thể là rào cản lớn nhất. Nếu không tháo gỡ được thì mọi chuyện sẽ tiến triển rất chậm và tụt mất cơ hội.
Trong chương trình phát triển đô thị thông minh của TP.HCM có 4 trụ cột, trong đó trụ cột đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Trong năm 2019, 80% công việc tập trung vào việc này.
Như ông Ousmane Dione – giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN – đã nói, thời này dữ liệu chính là tài nguyên. Nhưng phải là dữ liệu sạch, dùng được.
Đây là điều TP.HCM đang nỗ lực tập trung làm. Để làm được việc này phải có sự đồng lòng của tất cả sở ban ngành, quận huyện và doanh nghiệp.
Phải ý thức được rằng việc tạo ra dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, khai thác dữ liệu là yếu tố sống còn. AI mà không có dữ liệu thì không thể làm được gì.
Ngoài ra, vai trò của các trường ĐH vô cùng quan trọng. Vì vậy, bản thân các trường phải ý thức được điều này để quan tâm xây dựng chương trình đào tạo chất lượng, chứ không phải hình thức và thực hiện nghiên cứu thực chất mới thay đổi được tình hình.
PGS.TS Thoại Nam (giám đốc Trung tâm kỹ thuật điện toán Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp
Với AI, hiện nay nước nào cũng nhìn thấy cơ hội. Mặc dù Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu đang đi trước, nhưng vẫn có thể tụt hậu nếu như họ không có chiến lược và đầu tư hợp lý.
Đây là một cuộc chơi mới, thách thức mới nên doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định. Nhà nước nên có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc đua mới này.
Vậy làm sao để doanh nghiệp mạnh lên? Để có cơ hội trong cuộc chơi này cần phải có: (1) cơ sở dữ liệu (data); (2) làm chủ công nghệ AI; (3) có hạ tầng máy tính mạnh; (4) phải có nhân lực.
Về chiến lược đào tạo nhân lực cần nhìn cho đúng. Phải đào tạo hai dạng: nhân lực xuất sắc và nhân lực làm việc được trong lĩnh vực công nghiệp.
Doanh nghiệp không thể đợi nguồn nhân lực mới trong 5-10 năm tới, nên phải ưu tiên lĩnh vực phục vụ ứng dụng công nghiệp ngắn hạn bên cạnh đào tạo nhân lực xuất sắc trong dài hạn. Do vậy, cái bắt tay giữa Nhà nước, trường ĐH và doanh nghiệp rất quan trọng.
TP cũng cần ưu tiên số 1 cho việc đưa AI vào ứng dụng, làm sao để những người làm kỹ thuật ở các ngành khác tiếp cận, hiểu được AI và đưa vào từng sản phẩm của công nghiệp. TP cũng phải có cơ chế để thu thập và chia sẻ dữ liệu cho doanh nghiệp.
TS Lê Hồng Việt (giám đốc công nghệ Công ty cổ phần FPT):
Doanh nghiệp cần nhân lực AI chuyên sâu
VN đang thiếu dữ liệu trong khi lĩnh vực AI phụ thuộc chủ yếu vào có dữ liệu tốt hay không.
Các doanh nghiệp VN hiện tại phải tự gom góp dữ liệu. Nếu có nguồn liên thông dữ liệu từ Chính phủ, các doanh nghiệp có thể tận dụng dữ liệu đó phát triển AI tốt hơn.
Chúng tôi cũng mong muốn có chính sách khuyến khích cơ sở đào tạo cung cấp nhân lực nghiên cứu AI mức độ chuyên sâu.
Trong lĩnh vực này, chúng tôi tuyển tiến sĩ trong nước không ra, phải tuyển từ nước ngoài.
Cần tiên phong cho lĩnh vực ứng dụng, tạo ra thị trường lớn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư theo mô hình PPP.
Nhà nước phải làm sao tạo ra chính sách khuyến khích ứng dụng và có chính sách để doanh nghiệp đầu tư theo hướng cho thuê. Đây là những điều cấp thiết với doanh nghiệp.