Site icon Trí tuệ nhân tạo

Xu hướng Trí tuệ nhân tạo năm 2021

Xu hướng nào của Trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng chính trong năm 2021? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Đại dịch toàn cầu xảy ra vào năm 2020 và chúng ta đã phải chứng kiến một bước lùi của nền kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là một nhánh của AIMachine learning đã tác động đến hầu hết mọi ngành nghề và góp phần làm thay đổi cục diện.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng xấu đến nhiều khía cạnh trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng nó không làm giảm đi tác động từ AI đến với cuộc sống của chúng ta. Trên thực tế, rõ ràng là các chương trình có khả năng khai phá tri thức sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đang diễn ra để chống lại sự bùng phát này cũng như những vấn đề khác mà chúng ta có thể phải đối mặt trong tương lai.

Không còn nghi ngờ gì nữa, AI sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giải trí trong một tương lai gần. Dưới đây là tổng quan về những gì chúng ta có thể mong đợi trong một năm bình ổn lại cuộc sống cũng như cân nhắc các chiến lược và các ưu tiên kinh doanh.

Xu hướng Phân tích Dữ liệu lớn – Big Data

Trong khi đại dịch đang diễn ra, có thể nhận thấy nhu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng phân tích và giải thích dữ liệu về sự lây lan của vi rút trên toàn thế giới. Các chính phủ, cơ quan y tế, trung tâm nghiên cứu và các ngành công nghiệp trên toàn cầu cùng nhau phát triển những cách thức mới để thu thập, tổng hợp và khai thác thông tin. Nhờ công nghệ, chúng ta có thể quan sát sự lây lan của dịch bệnh một cách gần như tức thời qua các trang thông tin điện tử.

Tiến bộ công nghệ là lý do chính giúp giảm thiểu tối đa số người chết trong đại dịch lần này so với trước đây, như đợt bùng phát Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của 50 triệu người. Từ tiến bộ trong công nghệ y tế và các tiêu chuẩn chăm sóc, đến những tiến bộ trong công nghệ truyền thông cho phép phát hiện các đợt bùng phát nhanh hơn để sớm áp đặt các biện pháp ngăn chặn. Trong năm tới, AI sẽ được thêm vào danh sách công nghệ cho phép chúng ta đối phó hiệu quả hơn với đại dịch.

Chỉ riêng sự tăng trưởng về số lượng tài liệu khoa học và y học đã là rất lớn, với hơn 28.000 bài báo được xuất bản vào tháng 4 năm nay liên quan đến Covid-19. Các công cụ tìm kiếm chuyên dụng với NLP đã và đang được phát triển với mục tiêu bất kỳ ai cũng có thể nhận được sự trợ giúp từ AI khi truy cập tập dữ liệu khổng lồ này.

Các giải pháp AI cũng đang được phát triển để giúp giải quyết những tồn đọng lớn của các vấn đề y tế khác chẳng hạn như ung thư, nơi việc điều trị đã bị ảnh hưởng khi các nguồn lực được chuyển hướng để chống lại Covid-19. Trong năm tới, chúng ta có thể sẽ thấy xu hướng áp dụng nhanh chóng của AI trên nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác, không chỉ liên quan đến việc xử lý vi rút.

Việc áp dụng Machine learning cho các bộ dữ liệu toàn cầu khổng lồ theo thời gian thực giúp chúng ta sẽ phát hiện các đợt bùng phát dịch dễ dàng hơn, theo dõi liên lạc giữa những người bị nhiễm, cho phép chẩn đoán chính xác và dự đoán cách vi rút có thể phát triển trong tương lai nhằm phát triển các loại vắc xin hiệu quả và lâu dài hơn. Bluezone của Việt Nam là một trong số những thành tựu đáng tự hào.

Xu hướng phát hiện và phòng ngừa tự động

Chúng ta đã thấy việc sử dụng máy bay không người lái ở một số khu vực pháp lý, bao gồm cả Hoa Kỳ, ít nhất là để kiểm tra khả năng chúng được sử dụng để theo dõi việc giãn cách xã hội. Các ứng dụng tiên tiến hơn cũng đang được triển khai, chẳng hạn như máy bay không người lái với khả năng phát hiện người có thân nhiệt cao – triệu chứng của người mắc COVID. Các hệ thống này sử dụng công nghệ thị giác máy tính để phân tích dữ liệu được camera trên máy bay không người lái ghi lại và thông báo cho chính quyền hoặc địa phương về số liệu thống kê và khả năng lây lan của virus.

Một lĩnh vực tăng trưởng liên quan khác sẽ là sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, cũng được hỗ trợ bởi các thuật toán thị giác máy tính. Có phần gây tranh cãi hơn vì nó tập trung vào việc xác định các cá nhân, thay vì các mẫu giữa các nhóm người, nhận dạng khuôn mặt đã được cảnh sát sử dụng để phát hiện những kẻ khóa và tránh cách ly, cũng như để theo dõi chuyển động của những cá nhân có biểu hiện triệu chứng trong một đám đông.

Các bằng chứng dường như cho thấy rằng công chúng đã trở nên khoan dung hơn với các chiến thuật giám sát mà trước đây được coi là quá hà khắc, do những nguy cơ sức khỏe do vi rút gây ra. Điều này có thể sẽ được kiểm tra thêm trong 18 tháng trước khi các nhà công nghệ trở nên thành thạo hơn trong việc giám sát và thậm chí là thực thi bằng AI

Xu hướng dự đoán chuyển đổi hành vi

Cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp xã hội đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự lan truyền của dịch Covid-19. Doanh số bán hàng của Amazon trong quý II năm 2020 đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, bởi vì ngay cả những người thường xa lánh bán lẻ trực tuyến đến nay đều buộc phải cân nhắc lại các lựa chọn của họ.

Các công cụ và nền tảng AI đã sẵn sàng để giúp các doanh nghiệp hiểu cách khách hàng của họ thích ứng với thực tế mới. Các tổ chức trước đây bị tụt hậu trong việc tiếp nhận các kênh kỹ thuật số thương mại và nuôi dưỡng các mối quan hệ đã hiểu ra tính cấp thiết của tình hình và nhanh chóng nắm bắt các khái niệm như phân tích hành vi và cá nhân hóa. Các công cụ cung cấp cho các tổ chức khả năng tự phục vụ bằng công nghệ này sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong năm 2021, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm cách thiết lập lợi thế cạnh tranh của mình.

Chấm dứt đại dịch tiếp theo trước khi nó bắt đầu

Hầu hết các thuật toán AI đều hướng đến sự dự đoán và nó có thể dự đoán chính xác thời gian và địa điểm bùng phát dịch trong tương lai. Nghiên cứu này đã được tiến hành trong một thời gian và trên thực tế, một vài cảnh báo sớm nhất về sự bùng phát dịch đã được tạo ra bởi AI. Công cụ BlueDot có trụ sở tại Toronto đã quét 100.000 nguồn dữ liệu truyền thông và chính phủ hàng ngày khi đưa ra cảnh báo về khả năng bùng phát dịch ở Vũ Hán – Trung Quốc ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Chúng ta có thể mong đợi các nghiên cứu về AI sẽ tiếp tục mang lại những đột phá hơn nữa trong 18 tháng tới, giúp tăng khả năng phát hiện và phản ứng của chúng ta trước nguy cơ bùng phát virus. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, nó cũng sẽ đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu liên tục giữa các chính phủ và các ngành công nghiệp tư nhân. Điều này diễn ra như thế nào rất có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi chính trị toàn cầu và các nhà lập pháp, cũng như quá trình phát triển công nghệ. Vì lý do này, các vấn đề như tiếp cận bộ dữ liệu y tế và các rào cản đối với việc trao đổi thông tin quốc tế cũng sẽ là những chủ đề nóng trong năm tới.

Nếu bạn thích bài viết này, đừng ngại chia sẻ với những người quan tâm. Hãy thường xuyên truy cập website và tham gia cộng đồng tại các trang mạng xã hội (dưới chân trang) để nhận được thông tin mới nhất về lĩnh vực.

Exit mobile version