Margaret Hamilton là ai? Liệu phụ nữ có thể đạt được những thành tựu lớn lao trong ngành Khoa học máy tính? Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, hãy cùng tìm hiểu bài viết này để trân trọng hơn những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực.
Đó là những năm 1960-1970, không phải là thời điểm mà phụ nữ được khuyến khích để tìm kiếm những công việc về kỹ thuật. Nhưng chương trình không gian Apollo đã ra đời, Margaret Hamilton, 24 tuổi với tấm bằng cử nhân toán học, một nữ lập trình viên tại MIT, đã ở lại phòng thí nghiệm để dẫn đầu một kỳ tích mang tính sử thi về kỹ thuật có thể giúp thay đổi tương lai của con người trong thời đại kỹ thuật số.
Thời điểm đó là một thập kỷ trước khi Microsoft và gần 50 năm trước khi Marc Andreessen nhận ra rằng, trên thực tế phần mềm đã “nuốt chững cả thế giới”. Thế giới không nghĩ nhiều về phần mềm trong những ngày đầu của Apollo. Giáo sư hàng không David Mindell của MIT đã viết trong cuốn sách Digital Apollo của mình rằng, tài liệu ban đầu đưa ra các yêu cầu kỹ thuật của sứ mệnh Apollo thậm chí còn không đề cập đến hai từ “phần mềm”. Nhưng khi dự án Apollo được triển khai, vai trò trung tâm của phần mềm trong việc hoàn thành sứ mệnh bắt đầu trở nên rõ ràng.
Năm 1965, Margaret Hamilton trở thành người chịu trách nhiệm về phần mềm bay trên Apollo. Đó là một khoảng thời gian thú vị và Hoa Kỳ phải phụ thuộc vào điều mà cô ấy làm. Với công nghệ của những năm 1960, đối với Hamilton, lập trình có nghĩa là đục các lỗ trên chồng thẻ đục lỗ, thứ sẽ được xử lý hàng đêm theo lô trên một máy tính lớn có tên Honeywell mô phỏng công việc của tàu đổ bộ Apollo. Hamilton nhớ lại: “…Chúng tôi phải mô phỏng mọi thứ trước khi nó bay…” Một khi đã chắc chắn, nó sẽ được chuyển đến một cơ sở Raytheon gần đó, nơi có một nhóm những nữ thợ may chuyên nghiệp của chương trinh Apollo được biết đến với tên gọi “Little Old Ladies”, họ luồn dây đồng qua các vòng từ tính (một sợi dây đi qua lõi là 1; một dây đi xung quanh lõi là 0).
Hãy quên các khái niệm như RAM, ổ đĩa, hay GPU; trên Apollo, bộ nhớ được kết nối rất chặt chẽ và gần như không thể phá hủy. Các chuyến bay của Apollo mang theo hai cỗ máy gần giống hệt nhau: một cỗ máy được sử dụng trong mô-đun mặt trăng (Eagle hạ cánh trên mặt trăng) và chiếc còn lại dùng cho mô-đun chỉ huy đưa các phi hành gia đến và đi từ Trái đất. Những chiếc máy tính Apollo nặng 70 pound (~30kg) này là những chiếc máy tính di động không giống bất kỳ loại nào khác. Chúng được hình thành bởi các kỹ sư MIT như Hal Laning, Dick Batton… và là một trong những chiếc máy tính quan trọng đầu tiên sử dụng mạch tích hợp thay vì bóng bán dẫn.
Hệ thống máy tính này đã lưu trữ hơn 12.000 “từ” trong bộ nhớ vĩnh viễn (những “sợi dây” bằng đồng được các thợ may chuyên nghiệp xâu lại) và 1.024 từ trong bộ nhớ tạm thời có thể xóa được. Don Eyles, người làm việc trên mã mô-đun mặt trăng tại MIT’s IL cho biết: “…Đây là lần đầu tiên một chiếc máy tính quan trọng được đặt trong tàu vũ trụ và nhận rất nhiều trách nhiệm cho sứ mệnh này. Nếu không có nó, Neil Armstrong sẽ không lên được mặt trăng. Và nếu không có phần mềm được viết tay bởi Hamilton, Eyles và đội ngũ kỹ sư của MIT, chiếc máy tính sẽ trở nên tồi tệ…”
“Kỹ thuật phần mềm” – một khái niệm được tiên phong bởi Hamilton, đã giúp con người đặt chân lên mặt trăng. Đến những năm 1970, Hamilton rời NASA và chương trình Apollo để tiếp tục thành lập và lãnh đạo nhiều công ty phần mềm khác. Ngày nay, Hamilton Technologies được xây dựng chỉ cách MIT, nơi bắt đầu sự nghiệp của cô vài dãy nhà – một trung tâm của cuộc cách mạng hướng tới những vì sao.