NLP là hướng nghiên cứu quan trọng trong AI. Những nhiệm vụ nào có thể hoàn thành với NLP ? Hãy cùng Trí tuệ nhân tạo tìm hiểu 7 ứng dụng của NLP qua bài viết này.
1. Dịch máy (Machine Translation) – Ứng dụng của NLP
Dịch có nghĩa là chuyển thông tin từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Khi được máy tính thực hiện, chúng ta có “Dịch máy” (Machine Translation). Nhiệm vụ này yêu cầu máy tính có thể dịch ngôn ngữ mà không có sự can thiệp của con người. Ứng dụng nổi tiếng nhất có thể kể đến là Google Dịch.
Google Dịch dựa trên dịch máy thống kê SMT . Thay vì thay thế từng từ, Google Dịch thu thập một lượng lớn văn bản của cả hai ngôn ngữ và tìm các mẫu thống kê tương đồng giữa chúng. Giống như con người, từ khi còn nhỏ, chúng ta gắn ngữ nghĩa vào các từ rồi tổng quát hóa và ngoại suy ngữ nghĩa cho các cấu trúc phức tạp hơn.
2. Nhận dạng tiếng nói (Speech Recognition) – Ứng dụng của NLP
Nhận dạng giọng nói là bài toán được quan tâm rất sớm. Mặc dù được giải quyết trong gần nửa thế kỷ nhưng chỉ vài thập kỷ gần đây, NLP mới đạt được những thành tựu đáng kể trong bài toán này. Nhờ đó, hàng loạt các ứng dụng công nghệ cao được thúc đẩy thông qua việc máy tính có thể nghe và nhận dạng giọng nói của con người.
3. Phân tích tình cảm (Sentiment Analysis) – Ứng dụng của NLP
Phân tích tình cảm (còn được biết đến với tên gọi “Khai phá quan điểm”) là bài toán xác định thông tin chủ quan trong văn bản. Nó có thể là nhận xét về một sản phẩm, một bộ phim hay một doanh nghiệp nào đó. Công nghệ này giúp cho các công ty xác định được tình cảm của công chúng đối với thương hiệu và sản phẩm của họ.
Người dùng thường không sẵn lòng trong việc điền vào các bảng khảo sát nhưng họ lại thường sẵn sàng chia sẻ quan điểm của mình trên các mạng xã hội. Do đó, công nghệ này giúp có được quan điểm của mọi người nhanh chóng và khách quan hơn.
4. Tóm tắt tự động (Automatic Summarization) – Ứng dụng của NLP
Với lượng thông tin chúng ta phải xử lý hàng ngày, việc quá tải thông tin có thể là vấn đề lớn trong xã hội ngày nay. Tóm tắt tự động là nhiệm vụ tạo ra một bản tóm tắt ngắn gọn, chính xác và trôi chảy từ một văn bản dài. Nhờ có tóm tắt tự động, chúng ta có thể giảm thời gian đọc, ngoài ra kết quả của nó có thể làm đầu vào cho các nhiệm vụ NLP khác.
5. Chatbot – Ứng dụng của NLP
Chatbot là các công cụ trò chuyện tự động. Xuất hiện từ những năm 1960 dưới dạng đơn giản, các hệ thống chatbot cổ điển chỉ có thể viết lại các câu mà con người nhập vào. Các chatbot hiện đại vượt xa những người tiền nhiệm của nó nhờ những thành tựu của NLP . Chúng có thể xử lý các nhiệm vụ không đòi hỏi nhiều sáng tạo. Mặc dù vậy, để đáp ứng yêu cầu thấu hiểu khách hàng của các doanh nghiệp, vẫn còn một quãng đường rất xa đối với chatbot.
6. Thông minh thị trường (Market Intelligence) – Ứng dụng của NLP
Các nhà tiếp thị cũng sử dụng NLP để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Các hành vi trên Internet bao gồm các thông tin tìm kiếm, tương tác, các bài đăng trên mạng xã hội cung cấp các thông tin phi cấu trúc về dữ liệu người dùng. Quảng cáo thông tin đến đúng người sẽ giúp giảm chi phí đáng kể.
Thông minh thị trường sử dụng các nguồn thông tin khác nhau để tạo ra bức tranh toàn cảnh về thị trường, khách hàng, vấn đề, đối thủ cạnh tranh, dự báo tăng trưởng của sản phẩm và dịch vụ. Các nguồn thông tin này có thể đến từ nhật ký bán hàng, khảo sát, mạng xã hội và các nguồn khác.
7. Kiểm tra chính tả (Spell Checking) – Ứng dụng của NLP
Thông thường, người viết ra văn bản khó có thể tự tìm ra lỗi sai của mình. Các công cụ kiểm tra chính tả giúp tìm và sửa các lỗi sai tự động. Đa phần các trình soạn thảo đều có chức năng này. Ví dụ xuất sắc nhất của kiểm tra chính tả là Grammaly, chương trình này có thể phát hiện và gợi ý các từ sai, các vấn đề về ngữ pháp, cấu trúc, văn phong.
Nếu bạn thích bài viết này, đừng ngại chia sẻ với những người quan tâm. Hãy thường xuyên truy cập website hoặc đăng ký dưới chân trang để nhận được những bài viết sớm nhất. Ngoài ra bạn có thể đọc thêm về NLP tại đây.