Huawei thách thức Mỹ với Trí tuệ nhân tạo

Huawei là tâm điểm chú ý trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Sẽ rất khó khăn cho tập đoàn này nếu không được tiếp cận các dịch vụ của các tập đoàn Mỹ. Đơn cử như Smart AI, dự án Trí tuệ nhân tạo gây tiếng vang của Huawei sử dụng nền tảng Tensorflow của Google và điện thoại Huawei sẽ khó bán trên thị trường thế giới nếu không thể cài đặt kho ứng dụng của hãng này. Mặc dù vậy, dựa trên cơ sở nào mà Huawei có thể thách thức gọng kìm của Mỹ? Hãy cùng trituenhantao.io tìm hiểu qua bài viết này.

Ren Zhengfei, người sáng lập và giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei, đã thách thức những nỗ lực của Mỹ nhằm cản trở công ty của ông thông qua các vụ kiện và các lệnh cấm. “Không có cách nào Hoa Kỳ có thể đè bẹp chúng tôi”, ông Ren nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi gần đây với truyền thông quốc tế. Thế giới không thể rời bỏ chúng tôi vì chúng tôi tiến bộ hơn.

Đường lối phát triển công nghệ của Huawei, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cho thấy một công ty phát triển nhanh trên nhiều mặt so với bất kỳ doanh nghiệp nào khác trên thế giới. Ngoài tham vọng về AI, Huawei còn tham gia cuộc chơi trong thị trường mạng không dây 5G thế hệ tiếp theo. Tập đoàn này cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.

Chiến lược phát triển Trí tuệ nhân tạo của Huawei sẽ mang lại cho nó tầm với trên toàn bộ nền công nghệ. Kết quả của việc này dẫn tới một loạt các vấn đề bảo mật mới. Sự phổ biến của các sản phẩm và trách nhiệm giải trình trước chính phủ Trung Quốc là lý do lớn khiến Hoa Kỳ coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia chưa từng có.

Trong một cuộc phỏng vấn bởi MIT Technology Review, Xu Wenwei, giám đốc tiếp thị và chiến lược của Huawei đã nói về Trí tuệ nhân tạo. Ông cho biết Huawei có kế hoạch tăng cường đầu tư vào AI và tích hợp nó trong toàn công ty để xây dựng một danh mục đầu tư đầy đủ. Huawei đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ từ khi nó chỉ là một công ty tư nhân. Lãnh đạo công ty cho biết, họ đã lên kế hoạch tăng gấp đôi chi cho Nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng năm lên từ 15 đến 20 tỷ đô la.

Theo trang web của mình, khoảng 80.000 nhân viên, tương đương 45% lực lượng lao động của Huawei, có liên quan đến R&D. Bên cạnh đó, tầm nhìn của Huawei hoạch định rõ những phát triển về nhà máy sản xuất chip, máy chủ tính toán hiệu năng cao, lưu trữ đám mây và các cơ sở hạ tầng cần thiết có thể thay thế cho các dịch vụ của các hãng như Amazon, Microsoft hoặc Google.

Bên cạnh đó, trên khía cạnh phần mềm, Huawei cung cấp một nền tảng điện toán đám mây với 45 dịch vụ AI khác nhau, phạm vi tương tự với các dịch vụ của các ông lớn phương Tây như Google, Amazon và Microsoft. Trong năm 2019, Huawei sẽ phát hành framework học sâu đầu tiên của mình, được gọi là MindSpore, sẽ cạnh tranh với các ứng dụng như Tensorflow của Google và Pytorch của Facebook.

Bạn muốn trích dẫn bài này:
-----
"Huawei thách thức Mỹ với Trí tuệ nhân tạo," Trí tuệ nhân tạo, Ngày xuất bản: 22/05/2019, URL: https://trituenhantao.io/tin-tuc/huawei-thach-thuc-my-voi-tri-tue-nhan-tao/, Ngày truy cập: 28/03/2024.